Mất bao lâu để ép được một mẻ gạch? - Máy ép gạch không nung Việt Nhật

Mất bao lâu để ép được một mẻ gạch?

Trong quá trình tư vấn khách hàng đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung, một vấn đề thắc mắc mà chúng tôi thường xuyên nhận được từ chủ đầu tư đó là: chu kỳ thành hình của một mẻ gạch không nung là bao lâu? hay mất bao nhiêu lâu để ép được một mẻ gạch không nung?….

Thực tế sẽ không có một câu trả lời hoàn toàn chính xác cho câu hỏi trên, bởi lẽ chu kỳ thành hình của một mẻ gạch (lần ép gạch) dựa vào rất nhiều yếu tố liên quan như: chủng loại máy ép, tình trạng nguyên vật liệu, chủng loại thành phẩm muốn ép, tiêu chuẩn yêu cầu đối với thành phẩm đầu ra hoặc cả yếu tố con người như: trình độ kỹ thuật của người thao tác máy…Hiện nay, trên thị trường có một số tài liệu, thông tin tư vấn khá “ảo” về chu kỳ thành hình của sản phẩm máy gạch không nung, rằng: “chu kỳ thành hình máy ép của chúng tôi chỉ cần kéo dài 15 giây/mẻ đối với tất cả các loại gạch và thiết bị luôn duy trì được mức độ sản xuất này”. Xét về tính ứng dụng thực tiễn trong sản xuất, có thể khẳng định chu kỳ 15 giây/mẻ là hoàn toàn rất thiếu tính khả thi, hoặc giả đạt được cũng chỉ là trong điều kiện chạy thử nghiệm. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này chúng tôi xin dùng thông số sản phẩm máy gạch không nung thuỷ lực tự động hoàn toàn do Công ty cổ phần Việt Nhật chế tạo để giải đáp thăc mắc của Quý khách hàng.

Trước hết, một chu kỳ thành hình mẻ gạch được phân làm các bước gồm: tiếp tấm, hạ khuôn, tiếp liệu, rải liệu, ép rung, rút khuôn, ra gạch; trong đó công đoạn quyết định chu kỳ thành hình của gạch nhanh hay chậm gồm 3 bước: rải liệu, ép rung và rút khuôn.

Thông thường, việc sản xuất các loại gạch đặc tiêu chuẩn sẽ tương đối nhanh do thao tác rải liệu, ép rung và rút khuôn đều tương đối dễ dàng; không gian rải liệu rộng (một khối duy nhất) nên xe liệu chỉ cần gạt từ 2-3 lần sẽ cấp đủ liệu làm việc, kế đến là việc ép rung tạo hình cũng do đó mà được rút ngắn, chiều cao cần rút khuôn cũng ngắn (tối đa khoảng 13-15 cm) cũng khiến việc rút khuôn diễn ra nhanh chóng. Thông thường chu kỳ thành hình loại sản phẩm này khoảng từ 19-20 giây/ mẻ đối với nguyên liệu cỡ hạt đồng đều, được trộn đủ nước và tính kết dính tốt; chu kỳ thành hình lâu nhất đối với loại sản phẩm này có thể kéo dài từ 26-29 giây/ mẻ nếu nguyên liệu khô hoặc quá ướt, cỡ hạt liệu quá to hoặc lẫn hạt to, lượng liệu rải vào khuôn quá đầy khiến thời gian ép kéo dài.

Cũng tương tự các điều kiện như trên, chu kỳ thành hình của loại gạch block (gạch vách, gạch lỗ rỗng…) – có chiều dày vách 2,5-3cm, diễn ra lâu hơn từ 3-5 giây so với các loại gạch đặc. Chu kỳ thành hình lâu nhất và phức tạp nhất cho việc sản xuất là các loại gạch ống 2,4,6 lỗ theo dạng tuynel; sở dĩ là do thành của các loại gạch này quá mỏng – chỉ từ 1 đến 2cm, chiều cao rải liệu, rút khuôn lại đạt từ 18-22cm nên ở các bước đều gặp khó khăn, cụ thể: xe liệu cần tiến lùi từ 5-6 lần mới cấp đủ liệu vào hộp khuôn, thời gian ép và rút khuôn cũng diễn ra chậm hơn so với các loại gạch khác. Chính vì vậy, sản lượng sản xuất của loại gạch ống luôn là thấp nhất và đặc biệt phải là thiết bị được thiết kế đặc chủng mới có thể sản xuất được loại gạch này.

Hiện nay Công ty cổ phần Việt Nhật đã tiến hành nghiên cứu và không ngừng cải tiến các sản phẩm máy gạch không nung để thiết bị phù hợp sản xuất các chủng loại gạch theo yêu cầu của thị trường Việt Nam, đặc biệt là các loại gạch ống không nung; qua đó mong muốn mang lại các lợi ích sản xuất tốt nhất cho chủ đầu tư và Quý khách hàng đã và sẽ tin tưởng lựa chọn chúng tôi.

Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *