Gạch không nung sẽ chiếm lĩnh thị trường gạch xây của Việt Nam - Máy ép gạch không nung Việt Nhật

Gạch không nung sẽ chiếm lĩnh thị trường gạch xây của Việt Nam

Máy ép gạch không nung bán tự động Việt Nhật

Tại Việt Nam, nhiều loại vật liệu xanh đã phát triển tương đối nhanh trong thời gian gần đây, điển hình như: xốp cách nhiệt, tôn lợp sinh thái, gỗ ốp tường, xi măng xanh… Tuy nhiên, kính, gạch không nung là 2 loại vật liệu đạt nhiều thành công trong năm 2016, có khả năng sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn vào 2017. Trong đó, gạch không nung được dự đoán sẽ chiếm lĩnh thị trường gạch xây của Việt Nam trong thời gian tới.

Nhìn lại một năm thành công

Trong xây dựng hiện nay, gạch không nung đang ngày càng chiếm ưu thế so với gạch đất nung. Hiện nay, ở nước ta có 4 loại gạch xây không nung chính là gạch bê tông bọt, gạch bê tông khí chưng áp (gạch AAC), gạch bê tông xi măng cốt liệu và gạch đất không nung. Trong đó, phổ biến nhất là gạch bê tông xi măng cốt liệu.

Phát triển công trình xanh và sử dụng gạch không nung chính là xu thế tất yếu, con đường không thể khác của ngành xây dựng Việt Nam. Trong xu hướng kiến trúc xanh của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, vật liệu xây dựng (VLXD) xanh – vật liệu thân thiện với môi trường là một trong ba yếu tố quan trọng nhất.

Gạch không nung có những ưu điểm vượt trội, tuy nhiên nó vẫn còn những nhược điểm của nó là không thể tránh khỏi, điều quan trọng là phải nắm rõ những nhược điểm của nó để phát huy lợi thế và tìm cách khắc phục các khuyết điểm một cách hiệu quả nhất.

Vì cường độ chịu lực của gạch không nung khá tốt, nên đáp ứng được các yêu cầu chịu lực trong kết cấu công trình, tuy nhiên ở những nơi có cường độ chịu lực quá cao từ 300 – 400 kg/cm2 thì nó không đáp ứng được. Ở các khu vực yêu cầu cường độ thấp thì có thể sử dụng loại gạch ít xi măng để giảm giá thành, tiết kiệm chi phí.

Sử dụng gạch không nung có thể tiết kiệm được thời gian, nguồn tài chính và đơn giản hóa một vài khâu quan trọng trong quá trình xây dựng. Nếu trong quá trình sản xuất gạch có sử dụng chất độn như sỏi, mạt đá, than xỉ… sẽ làm giảm đáng kể trọng lượng viên gạch, đa dạng về chủng loại, màu sắc, kích thước đồng nhất và đạt được yêu cầu cao về thẩm mỹ.

Nói về ưu điểm xanh nổi bật của loại gạch này, ông Đặng Việt Lê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Gạch Khang Minh, cho biết gạch xi măng cốt liệu được tạo ra từ mạt đá và xỉ nhiệt điện, hai phụ phẩm tận thu từ khai thác đá và các lò nhiệt điện. Đây là nguồn nguyên liệu vô hạn, không sử dụng tài nguyên không tái tạo: “Gạch xi măng cốt liệu chỉ sử dụng 8% xi măng và 92% còn lại là nguyên liệu tận thu. Hơn nữa, quá trình sản xuất của gạch không nung không hề phát thải khí nhà kính (CO2) như các loại gạch nung. Do đó, có thể nói, gạch xi măng cốt liệu là xanh từ nguyên liệu đến quá trình sản xuất”.

Bên cạnh đó, đầu năm 2015, một nhóm chuyên gia khoa VLXD thuộc trường Đại học Bách Khoa TP.HCM đã tìm ra nguyên liệu mới để sản xuất gạch không nung. Theo đó, từ một phụ phẩm của quá trình sản xuất nhôm có thể gây ô nhiễm và độc hại cho môi trường, bùn đỏ bô xít lại trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào vô tận cho các nhà máy gạch không nung, nhờ công nghệ Geopolymer.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu này, tháng 8/2015, Công ty Cổ phần Lộc Châu đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất gạch không nung từ nguồn thải bùn đỏ bô xít ở Công ty TNHH Nhôm Lâm Đồng và tro, xỉ tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Đến thời điểm hiện tại, dự án trên đã nhận được nhiều sự đồng thuận của UBND tỉnh và các bộ, ngành liên quan.

Trong thời gian tới, nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhà máy sản xuất gạch không nung từ bùn đỏ tại tỉnh Lâm Đồng sẽ được thi công xây dựng. Với quy mô 22,5ha và vốn đầu tư lên tới gần 1,5 nghìn tỷ đồng, sau khi đi vào hoạt động, mỗi năm nhà máy dự kiến đưa ra thị trường 1 tỷ viên gạch không nung. Đây được dự đoán sẽ là những bước đi đầu tiên cho việc lấp đầy thị trường vật liệu xây không nung để dần dần thay thế gạch đất sét nung.

PhattrienVatlieuxaykhongnung

Gạch không nung lên ngôi

Năm 2017, Việt Nam được dự đoán là sẽ tiếp tục thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư lớn từ nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, hai đối tác luôn tìm kiếm, sử dụng 100% vật liệu xanh trong cách công trình của mình.

Hơn nữa, trong những năm qua, Nhà nước đã liên tiếp tạo ra những bàn đạp lớn để thúc đẩy sự phát triển của vật liệu xanh, đặc biệt là gạch không nung ở Việt Nam.

Trong 2 tháng đầu năm 2017, sản lượng gạch không nung bao gồm gạch nhẹ và gạch bê tông xi măng cốt liệu lần lượt là 0,11 tỷ viên, đạt 105% và 0,95 tỷ viên đạt 102% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo dự báo của Bộ Xây dựng, nhu cầu sử dụng vật liệu xây ở nước ta giai đoạn 2015-2020 tương ứng là 24 và 33 tỷ viên quy tiêu chuẩn. Để sản xuất 1 tỷ viên gạch đất sét nung phải tiêu tốn 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75ha đất khai thác ở độ sâu 2m cùng 150.000 tấn than và thải ra môi trường 0,57 triệu tấn CO2.

Đến năm 2020, mỗi năm chúng ta phải khai thác 50 triệu m3 đất sét (tương đương 2.500 ha đất khai thác ở độ sâu 2m) cùng 5 triệu tấn than và thải ra môi trường 0,57 triệu tấn khí CO2.

Trước thực trạng sử dụng gạch nung ở Việt Nam vẫn còn chiếm tỷ lệ cao từ 90-95% có thể gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác, Bộ Xây dựng đã triển khai chương trình 567 nhằm khuyến khích và thúc đẩy sản xuất vật liệu không nung trong lĩnh vực xây dựng.

Đến nay, hầu hết các địa phương đã nhận thức rõ ý nghĩa của chương trình, đồng thời tạo ra các biện pháp, kế hoạch và lộ trình cụ thể để phát triển vật liệu xây dựng không nung tiến tới hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung.

Chuyên gia công trình xanh Đỗ Ngọc Diệp, Tổ chức IFC – thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết, chỉ còn một năm nữa để Việt Nam hoàn thành chỉ đạo loại bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công trước năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Mặt khác, Bộ Xây dựng cũng đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng”. Tại đề án này, Bộ đã đề xuất các doanh nghiệp phát thải đang hoạt động phải hoàn thành việc xử lý, tiêu thụ tro, xỉ thạch cao trước khi kết thúc năm 2018.

Theo nhận định của ông Đặng Việt Lê, năm 2017, gạch không nung sẽ phát triển theo hướng nâng cao khả năng cách âm, cách nhiệt cùng nhiều yếu tố bền vững, như khả năng chống uốn, thấm, chịu lực ngang, gió mạnh, độ co của tường và ngày càng nhẹ hơn.

Với tầm nhìn xa hơn nữa, ông Lê cũng cho rằng: “Mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam sử dụng 100% gạch không nung là hoàn toàn khả thi do quỹ đất đang ngày càng cạn dần và không thể mãi hy sinh đất nông nghiệp để sản xuất gạch đất sét nung.

Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *